12:15 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Trang nhất » Tin Tức » AN TOÀN THỰC PHẨM

THỨC ĂN ĐƯỜNG PHỐ THỰC TRẠNG VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC

Thứ hai - 13/04/2015 10:23
THỨC ĂN ĐƯỜNG PHỐ THỰC TRẠNG VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC

THỨC ĂN ĐƯỜNG PHỐ THỰC TRẠNG VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC

Thức ăn đường phố (TĂĐP) hay thức ăn vỉa hè, thức ăn lề đường là các loại thức ăn, đồ uống đã chế biến sẵn hay sẵn sàng chế biến để phục vụ tại chỗ theo yêu cầu của khách hàng được bày bán trên vĩa hè, lề đường ở các đường phố, khu dân cư đông người hoặc những nơi công cộng bằng các tiệm ăn di động, quán ăn tạm thời hay là từ một gian hàng di động cho đến các loại xe đẩy... Theo khái niệm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), TĂĐP là những đồ ăn, thức uống được làm sẵn hoặc chế biến, nấu nướng tại chỗ, có thể ăn ngay và được bày bán trên đường phố, những nơi công cộng.
TĂĐP hầu hết là các món phục vụ tại chỗ, ăn nhanh, chi phí ít hơn một bữa ăn trong nhà hàng, tiện lợi, giá rẻ, phục vụ cho nhiều đối tượng, nhất là học sinh, sinh viên, công nhân, công chức, viên chức, người lao động có mức thu nhập thấp.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) thì khoảng 2,5 tỷ người ăn TĂĐP mỗi ngày. TĂĐP có mối liên hệ mật thiết Take-out,đồ ăn vặt (hàng rong, quà vặt),đồ ăn nhẹ (snack),thức ăn nhanh, nó được phân biệt bởi hương vị địa phương và được mua trên đường phố, mà không cần nhập bất kỳ trụ sở hay công trình xây dựng gì.
Từ lâu, TĂĐP là một nhu cầu của người dân đô thi, việc phát triển các loại hình TĂĐP là một nhu cầu tất yếu của xã hội, đem lại nhiều thuận tiện cho người tiêu dùng, tạo cơ hội cho nhiều người có công ăn việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ thất nghiệp, xoá đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.
TĂĐP ngày càng trở nên phổ biến cùng với nếp sốngđô thị hóa vì các mặt tích cực của nó đối với xã hội. Nó cung cấp một nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng với giá cả phải chăng và mang hương vị đặc biệt (do kinh nghiệm riêng của người chế biến). Thức ăn đường phố thường đa dạng và tiện lợi cho những người có thu nhập thấp và eo hẹp thời gian, Tạo được nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người, đặc biệt là đối tượng phụ nữ, nguồn lao động chính tham gia vào dịch vụ ăn uống đường phố (nhất là phụ nữ, những người di cư từ nông thôn ra đô thị). Loại hình này đã mang đến cơ hội làm ăn, tạo bước khởi đầu cho những ai có vốn kinh doanh ít (đầu tư ngành này cần ít vốn và không cần nhiều cơ sở trang thiết bị), đồng thời cũng hấp dẫn đối với khách du lịch và cả những người có kinh tế khá giả.
TĂĐP và các hàng rong là nét  văn hóa riêng của cộng đồng người việt. Nó phản ánh lối sống và sự phát triển  xã hội ở Việt Nam nói chung và ở Kon Tum nói riêng. Việc sử dụng TĂĐP là thói quen của nhiều người. Việc phát triển loại hình dịch vụ TĂĐP là nhu cầu tất yếu của cuộc sống, vì thuận lợi, rẻ tiền, giải quyết công ăn việc làm đối với một đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa như nước ta. Đặc biệt là ở các đô thị đông dân và  giá cả sinh hoạt tăng cao khiến nhiều người dân chấp nhận sử dụng các loại TĂĐP. Theo một số liệu điều tra của Trung tâm dinh dưỡng Thành phố Hồ Chí Minh thì tại đây có tới 95,5% người dân đang sử dụng TĂĐP, trong đó 51% dùng làm bữa ăn hàng ngày, 82% dùng làm bữa ăn sáng vì TĂĐP vô cùng đa dạng, phong phú như Hủ tíu, bún, cháo, mì quảng, bánh canh, bánh cuốn, bành xèo, bánh mì kẹp, nem lụi, hủ tiếu gõ..
Ở nước ta từ nông thôn đến thành thị, từ miền xuôi đến miền ngược, từ hải đảo đến miền núi ở đâu cũng có TĂĐP dưới nhiều hình thức đã và đang được phát triển rất mạnh và được bày bán nhiều trên vỉa hè, trước cổng trường, bệnh viện, rạp hát, cơ quan, bên lề đường đường phố, trong các chợ, các bến tàu, bến xe, Hội chợ, nơi diễn ra các sự kiện văn hoá, thể dục, thể thao và bất cứ nơi đâu sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng bất cứ lúc nào, mọi lúc, mọi nơi …còn khách hàng thì vẫn ăn uống ngay trên vỉa hè mà không quan tâm hoặc chú ý gì đến VSATTP như môi trường bị ô nhiễm bụi đường, rác thải, khói tàu xe qua lại gây ra và nguy cơ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) từ các loại TĂĐP là rất cao.
(Vụ NĐTP xảy ra tại trường tiểu học Võ Thị Sáu, huyện Sa Thầy và Vụ NĐTP tại Nhà hành Quốc Tuấn huyện Đắk Hà)
Theo một Điều tra của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế về TĂĐP tại 11 địa phương thì hầu hết bàn tay của người kinh doanh, chế biến TĂĐP đều bị nhiễm vi khuẩn E.coli như Hà Nội là 43,42%, TP. HCM 67,5%, Đà Nẵng 70,7%, các thực phẩm, thức ăn cho dù đã được nấu chín nhưng qua kiểm tra vẫn còn nhiều vi khuẩn gây bệnh nguy hại. Tại Nam Định, 100% mẫu các loại giò, chả, nem chua, lòng heo chín có vi khuẩn E.coli, còn tại TP. HCM là 90% bị nhiễm E.Coli, ngoài ra mặt hàng kem bán tại các cổng trường học ở đây cũng nhiễm tới 96%  vi khuẩn gây bệnh cho đường tiêu hóa.
Cũng theo một số liệu của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế trong năm 2002 qua kiểm tra 371 bếp ăn tập thể, cơ sở đạt yêu cầu vệ sinh là 85%, trong 53 mẫu bánh phở được xét nghiệm vẫn còn 48,2% số mẫu chưa đạt tiêu chuẩn về lý - hóa, 79 mẫu tương ớt tại các quầy phở có 85% số mẫu không đạt yêu cầu. Xét nghiệm phẩm màu trong bánh kẹo, bỏng, kem,nước giải khát vẫn còn 5/94 mẫu không đạt yêu cầu. Trong 50 mẫu chè thập cẩm các loại phát hiện 6 mẫu sử dụng cy-clam-ma-ty (chất tạo ngọt) không được phép sử dụng.
Riêng tại TP. HCM có đến 84,3% TĂĐP không đảm bảo VSATTP, 85,7% bán hàng ở lòng lề đường, trong đó 27% bán ở các nơi gần cống, rãnh, bãi rác, nhà vệ sinh công cộng và đã có gần 30% khách hàng khi ăn thức ăn đường phố bị ngộ độc (ói mửa, tiêu chảy, đau bụng) ngay sau khi sử dụng, 3,5% trong số đó phải nhập viện.  Trong năm 2013 đã thanh tra 25.434 cơ sở kinh doanh thực phẩm, phát hiện 3.940 cơ sở vi phạm. Trong đó, vi phạm nhiều nhất là sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở môi trường không đảm bảo vệ sinh (gần 20%), thiết bị dụng cụ chứa đựng thực phẩm không an toàn vệ sinh (16%), phần lớn vi phạm ATTP thuộc hộ kinh doanh nhỏ, cố định và người bán thực phẩm đường phố.
Trên thị trường vẫn trôi nổi nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc có sử dụng những phụ gia ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế như phẩm màu RhodamineB, hàn the, Formol...
 
Bốc đồ ăn cho khách bằng tay trần
Theo kết quả điều tra khác, thức ăn chín đường phố Hà Nội có tỷ lệ nhiễm khuẩn E.coli từ 70-90% với món nộm thập cẩm,nem chua, giò, nem chạo... Cũng theo điều tra này, bàn tay người làm dịch vụ thực phẩm rất bẩn. Cũng tại Thủ đô, tỷ lệ bàn tay người làm dịch vụ thực phẩm thức ăn đường phố nhiễm E.coli chiếm tới hơn 40%. Các chuyên gia thực phẩm nhận định, với thực trạng chế biến thức ăn như thế, việc bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm bệnh đường ruột, nhiễm các loại giun, sán là điều khó tránh khỏe.
Tại Huế, 98% cơ sở TĂĐP không đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Hiện tại có đến 98% cơ sở kinh doanh TĂĐP không đạt tiêu chuẩn VSATTP, tỷ lệ nhiễm vi sinh vật trong mẫu thức ăn ở các quán ăn đường phố cũng lên tới gần 70%. Đặc biệt, hai loại thực phẩm đường phố thường xuyên được học sinh, sinh viên sử dụng là bánh mỳ và kem thì tỷ lệ không đạt tiêu chuẩn vệ sinh lên đến gần 67%.
Ở một số cơ sở kinh doanh TĂĐP công nghệ chế biến bẩn, nguồn thực phẩm không rõ xuất xứ, điều kiện bảo quản không đảm bảo chất lượng VSATTP... dễ NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm. Cục An toàn thực phẩm và Chi cục ATVSTP đã liên tục cảnh báo nguy cơ dịch bệnh từ TĂĐP, tuy nhiên một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa quan tâm. Trái ngược với các cảnh báo này, tại các thành phố lớn, quán ăn vỉa hè vẫn mọc lên, dù biết mất vệ sinh nhiều nguy cơ tiềm ẩn, dịch tiêu chảy cấp, dịch tả, ngộ độc thực phẩm nhưng thực khách vẫn ăn và kẻ bán, người ăn vẫn tấp nập. Các nhà chuyên môn nhận định sự tái xuất hiện của bệnh tả trong thời điểm thời tiết chuyển dần sang hè sẽ có nhiều cơ hội phát tán nếu người dân không có ý thức phòng bệnh hiệu quả.
Người bán TĂĐP thường không (hoặc ít) hiểu biết về việc đảm bảo VSATTP cho người tiêu dùng thậm chí một số người vì lợi ích trước mắt mà coi thường sức khỏe và sinh mạng của thực khách, kết cấu hạ tầng kém, đường sá, vỉa hè nhiều bụi bặm, nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm và việc bảo quản, chế biến thức ăn đường phố cũng thường không đảm bảo, nguyên liệu thường dễ bị nhiễm vi sinh vật và không rõ nguồn gốc... Dụng cụ chứa thức ăn không đạt tiêu chuẩn, thức ăn phần lớn không được che đậy, hay che đậy sơ sài, người bán hàng đều dùng bàn tay trần bốc thức ăn rồi đếm tiền. Các địa điểm bày bán thức ăn phần lớn được đặt ngay trên mặt đất, gần với cống rãnh, hố ga, nhà vệ sinh công cộng, bệnh viện...theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm tính đến 30/6/2014, toàn quốc ghi nhận có 90 vụ NĐTP với 2.636 người mắc, 2.035 người đi viện và 28 người tử vong, đặc biệt NĐTP tại bếp ăn tập thể tăng 10 vụ, nguyên nhân chủ yếu do vi sinh vật và hoá chất sử dụng trong thực phẩm.
 Ở tỉnh Kon Tum TĂĐP cũng là nguyên nhân gây ra các vụ NĐTP làm nhiều người mắc và ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Điển hình năm 2011 tại Làng Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang xảy ra vụ NĐTP làm 350 người mắc, năm 2012 tại Trường tiểu học Nguyễn Thị Sáu, xã Hơ Moong, huyện Sa thầy xảy ra 01 vụ NĐTP làm 243 cháu học sinh mắc và năm 2013 tại Nhà hàng Quốc Tuấn, huyện Đắk Hà xảy ra 01 vụ NĐTP làm 75 người mắc... Với thực trạng về vấn đề TĂĐP như đã nêu trên, để từng bước kiểm soát được điều kiện ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống và TĂĐP, từng bước giảm thiểu NĐTP và bệnh truyền qua thực phẩm bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội và mỹ quan đô thị, Ban Bí thư  Trung ương đảng đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 05/12/2012 Quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Tại địa phương Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Kế hoạch số 15-KH/TU về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 394/KH-UBND ngày 17/10/2012 triển khai thực hiện kế hoạch số 15-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Để tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tham mưu Sở Y tế xây ban hành hoạch số 744/KH-SYT ngày 22/4/2013 triển khai công tác bảo đảm ATTP đối với dịch vụ kinh doanh  TĂĐP giai đoạn 2013-2014 trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Trên cơ sở kế hoạch của Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) trực tiếp phối hợp với BCĐLN về VSATTP các huyện, thành phố chỉ đạo và hướng dẫn các Phòng Y tế, Trung tâm ATVSTP tham mưu UBND huyện, thành phố và phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn triển khai các nội dung chi tiết được đề ra trong kế hoạch và xây dựng  mô hình điểm về quản lý, kiểm soát ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh, cụ thể theo các bước sau:
- Truyền thông, đào tạo, tập huấn cho cán bộ BCĐLN của xã, phường, Cộng tác viên, cán bộ chuyên trách ATTP tuyến xã và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người kinh doanh DVĂU và TĂĐP.
- Xây dựng mô hình điểm về quản lý ATTP đối với kinh doanh TĂĐP.
+ Địa điểm triển khai mô hình điểm là : Đoàn đường Lê Hồng Phong, Phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum và 3 huyện Ngọc Hồi, Đắk Tô, Đắk Hà mỗi huyện chọn 01 mô hình điểm về quản lý TĂĐP.
+ Tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện các nội dung đối với mô hình điểm được thực hiện như sau:
Trung tâm ATVSTP chủ trì, phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm về quản lýĂTĐP; thành lập Tổ quản lý truyền thông, tập huấn, điều tra, kiểm tra, giám sát và thường xuyên hướng dẫn cho các cơ sở do đồng chí Phó chủ tịch xã, phường làm Tổ trưởng; tổ chưc cho người kinh doanh khắm sức khoẻ, ký cam kết đảm bảo ATTP và chính quyền có cơ chế hỗ trợ về địa điểm, kinh phí để tập huấn, khám sức khoẻ, mua sắm trang thiết bị nhằm giúp cơ sở có điều kiện thực hiện các điều kiện theo quy định và hàng năm tổ chức điều tra lại để sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm.
Để so sánh đánh giá kết quả triển khai thực hiện mô hình điểm TĂĐP theo kế hoạch đề ra theo 10 tiêu chí được quy định tại Thông tư số 30/2012/TT-BYT, ngay từ đầu năm 2013 Chi cục ATVSTP đã chỉ đạo các Trung tâm ATVSTP phối hợp với các Tổ triển khai mô hình điểm TĂĐP của xã, phường tiến hành điều tra đánh giá ban đầu đối với 118 cơ sở và sau hơn 01 năm đi vào triển khai thực hiện đến tháng 6/2014 Chi cục ATVSTP tiếp tục chỉ đạo tiến hành điều tra lại để đánh giá và đã đạt được những kết quả như sau:
TT Tiêu chí đánh giá
 
Tổng
118 cơ sở
Điều tra ban đầu (%)
Kết quả đạt được sau 1 năm thực hiện
(%)
01 Nơi kinh doanh phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm (cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm..); 78/118
(66%)
97/118
(82%)
02 Bày bán thức ăn trên bàn, giá cao cách mặt đất ít nhất 60 cm; 97/118
(82%)
115/118
(97%)
03 Thức ăn được che đậy, bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi, bụi bẩn, mưa, nắng và các loài côn trùng, động vật khác gây hại khác; 49/118
(42%)
89/118
(75%)
04 Có dụng cụ xúc, gắp thực phẩm sạch sẽ, găng tay sử dụng 1 lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn chín; 57/118
(48%)
96/118
(81%)
05 Bảo đảm có đủ nước và nước đá sạch phù hợp với quy định; 39/118
(33%)
89/118
(75%)
06 Không để lẫn giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín; 64/118
(54%)
98/118
(83%)
07 Người kinh doanh thức ăn đường phố được khám sức khoẻ định kỳ; 14/118
(12%)
89/123
(75%)
08 Người kinh doanh thức ăn đường phố được tập huấn  tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; 52/118
(44%)
90/123
(76%)
09 Có sổ sách ghi chép nguồn gốc thực phẩm; 9/118
(7,6%)
72/118
(61%)
10 Có đủ dụng cụ, túi dựng chất thải, rác thải đựng trong thùng có nắp đậy và hợp vệ sinh. 51/118
(43%)
97/118
(82%)
 
Với kết quả đạt được ban đầu là rất khả quan, vì vậy trong thời gian tới (cuối năm 2014) Chi cục ATVSTP sẽ tiếp tục chỉ đạo tiến hành điều tra lại để tổ chức tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình này và trong năm 2015 Chi cục ATVSTP sẽ chỉ đạo Trung tâm ATVSTP thành phố Kon Tum tham mưu BCĐLN về VSATTP thành phố xây dựng kế hoạch triển khai mô hình giám sát thức ăn đường phố trên địa bàn toàn Phường Quyết Thắng, đồng thời Chi cục cũng chỉ đạo cho các Trung tâm ATVSTP các huyện thực hiện công tác quản lý ATTP đối với dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố theo quy định tại Thông tư số 30/2012/TT-BYT nhằm từng bước đưa loại hình kinh danh dịch vụ ăn uống và TĂĐP đi vào hoạt động nề nếp, bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật, từng bước giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng./.

Tác giả bài viết: BSCKI. Hoàng Chí Trung

Nguồn tin: Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
chi cục an toàn thực phẩm kon tum


HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN



THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 193

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 189


Hôm nayHôm nay : 30787

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2084954

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 17617208

LIÊN HỆ


Mã chống spam Thay mới