11:57 EDT Thứ sáu, 29/03/2024

Trang nhất » Tin Tức » KIẾN THỨC

Lựa chọn, bảo quản và chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn

Chủ nhật - 10/05/2020 18:02
Thực phẩm là một trong những nguồn cung cấp dinh dưỡng hàng ngày cho mỗi chúng ta. Thông tin về thực phẩm sạch đang được nhiều người quan tâm bởi những gì chúng ta ăn vào cơ thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Ăn thực phẩm sạch không những giúp chúng ta bảo vệ sức khỏe mà còn phòng tránh được nhiều bệnh tật. Vì vậy, người tiêu dùng phải tự trang bị cho mình kiến thức để lựa chọn, bảo quản và chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn nhằm giảm thiểu tình trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
1. Về lựa chọn thực phẩm
- Chọn mua thực phẩm ở những nơi bán sạch sẽ, ngăn nắp, có uy tín, biết rõ nguồn gốc, xuất xứ để bảo đảm chất lượng và độ an toàn của thực phẩm.
- Chọn mua loại thực phẩm an toàn. Cụ thể:
+ Chọn rau, củ, quả tươi, giữ nguyên trạng thái tự nhiên, không dập nát, không có mùi lạ (đối với khoai tây thì không được mọc mầm và không có màu xanh).
+ Chọn các loại phủ tạng, thịt và thủy sản còn tươi, thịt đã qua kiểm dịch thú y.
+ Thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn phải có nhãn ghi đầy đủ nội dung, còn hạn sử dụng, không lấy hộp phồng, méo, rạn, nứt, hoen gỉ.
+ Không sử dụng thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là ngũ cốc, hạt có dầu có chứa độc tố vi nấm rất nguy hiểm.
+ Không dùng thực phẩm còn nghi ngờ, chưa biết rõ nguồn gốc.
2. Về bảo quản thực phẩm: Thực phẩm sau khi lựa chọn, mua về, cần chú ý tới việc bảo quản , nhất là các thực phẩm chưa được chế biến ngay. Việc bảo quản các thực phẩm đã chọn phù hợp với từng nhóm thực phẩm, điều này sẽ giúp cho thực phẩm không bị mất các chất dinh dưỡng, đồng thời bảo đảm độ tươi, ngon khi chế biến món ăn. Đối với rau, củ, quả thì cần bảo quản trong tủ lạnh ở ngăn mát. Đối với nhóm thịt, cá, hải sản, nếu chưa chế biến ngay, cần bảo quản trong tủ đông lạnh. Đối với trứng, sữa cần để ngăn mát tủ lạnh hoặc nơi mát trong nhà, tránh ánh nắng trực tiếp. Đối với hạt ngũ cốc cần để nơi thoáng, khô ráo, tránh ẩm.
3. Về chế biến, sử dụng thực phẩm
- Nấu kỹ thực phẩm: Nhiều loại thực phẩm tươi sống như thịt gà, thịt vịt, các loại thịt khác, trứng và sữa chưa tiệt trùng có thể bị nhiễm bẩn bởi các vi sinh vật gây bệnh. Qua nấu nướng, có thể diệt được các vi khuẩn gây bệnh này, nhưng lưu ý nhiệt độ tất cả các phần của thực phẩm phải đạt được ít nhất là 70 độ C.
- Ăn thực phẩm ngay sau khi nấu chín: Khi thực phẩm nấu chín để nguội bằng nhiệt độ trong phòng, vi khuẩn bắt đầu phát triển. Thực phẩm càng để lâu càng nguy hiểm. Để bảo đảm an toàn, nên ăn ngay thực phẩm chín trong lúc thực phẩm vẫn còn nóng.
- Đun kỹ lại trước khi ăn đối với thực phẩm ăn thừa của bữa ăn trước: Việc đun lại và đun kỹ thức ăn cũ là hết sức cần thiết để tiêu diệt vi khuẩn đang tồn tại trong thức ăn, phòng ngừa ngộ độc. Trong nhiều trường hợp nếu thực phẩm bị nhiễm độc tố, đun lại không  bảo đảm ngăn ngừa được. Nên nấu với số lượng vừa phải để không hâm đi, hâm lại nhiều lần sẽ giảm chất lượng và không bảo đảm an toàn thực phẩm.
- Tránh để lẫn thực phẩm sống và thực phẩm chín, không nên dùng chung dụng cụ chế biến: Thực phẩm đã chín an toàn vẫn có thể bị nhiễm khuẩn do tiếp xúc với các thực phẩm sống. Vì vậy, khi vô tình để lẫn thực phẩm sẽ có sự nhiễm chéo của mầm bệnh từ thực phẩm sống sang thực phẩm chín, gây nguy hiểm. Tương tự như trên, nếu dùng chung dụng cụ chế biến, đồ chứa đựng thực phẩm như dao, thớt, đũa, bát cũng làm quá trình nhiễm khuẩn chéo.
-  Rửa tay nhiều lần: Rửa tay kỹ trước khi nấu ăn hoặc sau mỗi lần tạm ngừng công việc./.

Tác giả bài viết: Lam Giang

Nguồn tin: Chi cục ATVSTP tỉnh Kon Tum

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
chi cục an toàn thực phẩm kon tum


HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN



THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 357

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 356


Hôm nayHôm nay : 66514

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2120681

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 17652935

LIÊN HỆ


Mã chống spam Thay mới