19:57 EDT Thứ năm, 28/03/2024

Trang nhất » Tin Tức » TRUYỀN THÔNG

Cách lựa chọn và bảo quản thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán năm 2018

Thứ hai - 05/02/2018 22:00
Hiện nay vấn đề an toàn thực phẩm đang là mối quan tâm hàng đầu của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Bảo đảm an toàn thực phẩm không chỉ giảm bệnh tật, tăng cường sức lao động mà còn nâng cao sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và thể hiện nếp sống văn minh của đất nước. Những ngày giáp tết Nguyên đán 2018, thị trường thực phẩm càng nhộn nhịp, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao, đa dạng các mặt hàng truyền thống như: Giò, chả, thịt gia súc, gia cầm, bia, rượu, bánh, mứt kẹo, rau quả các loại..., nhiều mặt hàng có thể tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Để đề phòng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kon Tum hướng dẫn một số cách lựa chọn, bảo quản thực phẩm an toàn như sau:
1. Chọn thịt và sản phẩm từ động vật
Trước tiên cần tìm hiểu nguồn gốc cung cấp thịt hay người kinh doanh buôn bán, thịt và các sản phẩm từ động vật. Dấu hiệu nhận biết là dấu chứng nhận của cơ quan thú y trên sản phẩm và nhãn mác sản phẩm. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến vệ sinh của quầy bán thịt vì đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thịt và sự an toàn khi sử dụng. nếu thịt tươi thì bề mặt khô mịn, không bị nhớt, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, ấn ngón tay vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra. Nếu thấy mặt thịt thô ráp, ngửi không có mùi thơm của thịt, đề nghị người bán rạch một lằn dao vào thớ thịt, xem bên trong có màu tươi hồng của thịt (thịt lợn) hoặc màu đỏ tươi (thịt bò) thì thịt đó vẫn còn tươi.
 
Lưu ý: Nếu thịt có màu sẫm, hoặc có vết bầm ở cơ hoặc các nốt hoặc đám xuất huyết trên da thì không nên mua vì đó là các dấu hiệu nghi thịt gia súc, gia cầm đã chết hoặc mắc bệnh hoặc do nhuộm màu. Không nên mua thịt có màu nhợt nhạt hoặc có các bọc trắng trong thớ thịt, đối với thịt lợn không nên mua thịt khi mỡ có màu vàng và mùi khét.Đối với thịt đông lạnh cần xem kỹ nhãn mác xuất xứ và hạn sử dụng ghi trên bao bì và thiết bị bảo quản.
2. Cách chọn rau, củ quả
Nên chọn rau có màu tươi sáng không héo úa, dập nát, không dính bẩn. Đối với một số loại rau ăn lá không nên chọn rau có bề mặt nhẵn bóng, xanh mướt vì có thể sản phẩm đó được sử dụng các loại phân bón lá và thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn tồn dư trong rau và bề mặt.
Đối với các loại rau dạng củ, quả nên chọn các loại củ trơn nhẵn, da căng, không bị dập nát, màu sắc củ phải đồng nhất, không nên chọn mua các loại củ đã mọc mầm vì ảnh hưởng đến tiêu hóa.
Khi chọn các loại đỗ quả, mướp đắng  nên chọn quả có cuống to màu xanh tươi, thân mềm, hạt không lớn, không nhỏ.
3. Cách bảo quản giò chả, bánh chưng, bánh mứt, sữa chua không bị hỏng
- Bánh chưng, bánh tét: Đây là món ăn ngon truyền thống, một món ăn tương đối hoàn chỉnh về các nhóm thực phẩm (glucid, protein, lipid,) và giàu dinh dưỡng. Người ta thường quan niệm là bánh chưng không nên bảo quản trong tủ lạnh vì dễ bị lại gạo (cứng).  Tuy nhiên, nếu thời tiết nóng thì có thể bảo quản vào ngăn mát tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần còn lại thì dùng màng che thực phẩm bao kín. Lưu ý khi lấy bánh trong tủ lạnh ra cần luộc, hấp lại hoặc rán trước khi ăn. Nên hạn chế rán bánh vì như vậy đã làm tăng thêm lượng chất béo (dầu/mỡ) vào trong khẩu phần ăn hàng ngày không có lợi cho sức khỏe. Đối với các loại bánh bị mốc trắng, lên men mùi chua (nhất là ở phần góc bánh do phần này khi gói hay bị rách) ở lớp vỏ bánh bên ngoài thì phải cắt bỏ phần bị lên men, mốc chỉ sử dụng phần không bị hư, còn giữ nguyên mùi thơm của bánh.
- Giò, chả: với thành phần chủ yếu là thịt lợn nạc, ngoài ra còn có thịt mỡ, nước mắm và gia vị, vì thế giò không để lâu được. Giò lụa không được sử dụng hàn the vì nó không tốt cho sức khỏe, cách bảo quản giò lụa, giò bò, chả là giống nhau, để ở nhiệt độ thường dưới 25 độ C. Khi bảo quản đúng cách, giò sẽ giữ được 4-6 ngày nếu để ngăn mát, thậm chí giữ được khoảng 10 ngày nếu để ở ngăn đá.
Giò lụa lấy ra khỏi ngăn đông, để ở nhiệt độ bình thường khoảng 4 giờ hoặc chuyển vào ngăn mát trước khi sử dụng 8 giờ. Nếu muốn sử dụng ngay, thì rã đông nhanh, bọc giò lụa vào bọc nilon, ngâm vào nước lạnh khoảng 1 giờ.
          - Bánh mứt: sau khi mở bao bì ra phải buộc lại cho cẩn thận một phần để không khí bên ngoài không lọt vào làm bánh kẹo bị chảy nước và cũng là để cho những con vật khác không thể xâm nhập vào. Nhưng cách tốt nhất là cho mứt vào trong một hũ thủy tinh rồi đổ một lớp đường trắng lên trên, sẽ giữ được mùi thơm ban đầu và không bị chảy nước, vì đã có lớp đường ở trên hút ẩm. Không nên cho mứt vào ngăn đá của tủ lạnh, dễ làm hỏng mứt, mứt sẽ bị chảy nước khi đưa ra ngoài môi trường.
            - Sữa chua: sữa chua là thực phẩm ăn liền tốt cho sức khỏe và ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, không ít người vẫn chưa hiểu và biết cách bảo quản, sử dụng sản phẩm, nên khó tận dụng triệt để lợi ích từ sữa chua, thậm chí bị tác dụng ngược. Khi để bên ngoài ở nhiệt độ bình thường thì sữa chua sẽ bị lên men,vì khi lên men như vậy  sẽ có mùi rất khó sử dụng và giảm chất lượng của sản phẩm. Bên cạnh đó việc bảo quản sữa chua ở ngoài môi trường sẽ dễ bị một số vi khuẩn có hại xâm nhập vào và lên men đồng thời với vi khuẩn có lợi trong men sữa chua gây rối loạn tiêu hóa hoặc tiêu chảy. Do đó, người tiêu dùng không nên mua và sử dụng các sản phẩm này vì xác suất mua phải sản phẩm hư hỏng rất cao và nên mua hàng ở những nơi sản phẩm được bảo quản theo đúng yêu cầu của nhà sản xuất (từ 3 – 8c). Sau khi mua sữa chua về, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và sử dụng tốt nhất trong vòng 1 tuần để tận hưởng dưỡng chất và hương vị tươi ngon nhất.
Đặc biệt, người tiêu dùng nên tránh không mua các loại thực phẩm đóng bao gói sẵn không có nhãn mác, chỉ mua các loại có nhãn đầy đủ như tên thực phẩm, địa chỉ cơ sở sản xuất, định lượng thực phẩm, thành phần cấu tạo, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản và sử dụng. Nên mua thực phẩm ở những cơ sở kinh doanh uy tín, có giấy phép...
Để có những ngày tết thực sự vui tươi, lành mạnh, có ý nghĩa và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe cho bản thân và gia đình, mọi người hãy chung tay góp sức vào việc thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm./.

Tác giả bài viết: Lam Giang

Nguồn tin: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kon Tum

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
chi cục an toàn thực phẩm kon tum


HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN



THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 222

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 217


Hôm nayHôm nay : 61568

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2076711

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 17608965

LIÊN HỆ


Mã chống spam Thay mới