Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kon Tum: Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2019 và những nhiệm vụ trọng tâm năm 2020

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời, sâu sát của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm (BCĐLN ATTP) tỉnh, Sở Y tế và Cục An toàn thực phẩm trong việc triển khai thực hiện công tác bảo đảm ATTP nên việc thực hiện các chỉ đạo, kết luận, thông báo, chương trình công tác của Sở Y tế đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, nhất là Chi cục đã chủ động tham mưu UBND tỉnh, BCĐLN ATTP tỉnh, Sở Y tế các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời và báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh trong năm 2019 đúng nội dung và thời gian quy định.
Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh Kon Tum và các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm ATTP; Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm (BCĐLN ATTP) tỉnh ban hành Kế hoạch số 16/KH-BCĐ ngày 19/12/2018 triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa Lễ hội Xuân năm 2019; Chương trình công tác trọng tâm năm 2019; Kế hoạch số 19/KH-BCĐ ngày 20/3/2019 về triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2019; Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình vận động và giám sát bảo đảm ATTP giai đoạn 2016-2020 hàng quý; Sở Y tế ban hành các quyết định, văn bản chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm ATTP thuộc trách nhiệm của ngành. 
Phiên họp Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh
Về công tác truyền thông giáo dục về an toàn thực phẩm, BCĐLN tỉnh tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019 tại huyện Đăk Hà với hơn 600 người tham dự. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp các đơn vị tổ chức tuyên truyền các kiến thức về ATTP với 566 lần trên Đài Truyền hình, 566 lần trên Đài Truyền thanh, 240 lần bằng xe loa; tuyên truyền trực tiếp tại 930 hộ/1.206 người và 46 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; tổ chức 5 lớp tập huấn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, sản xuất - chế biến thực phẩm với 332 người tham dự và 01 lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác bảo đảm ATTP cho 19 cán bộ tuyến huyện thành phố: treo 128 cái Băng rôn, khẩu hiệu, in và cấp phát 4.200 tờ tranh, áp phích; 12.000 tờ rơi, tờ gấp; 1.500 quyển sổ tay; 50 đĩa âm, 50 đĩa hình cho tuyến huyện, viết 24 tin, bài. Xây dựng mô hình bếp ăn tập thể tại 04 điểm trường kết quả 4/4 trường đạt tiêu chuẩn điều kiện an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể và là mô hình để các cơ sở khác học tập kinh nghiệm.
Truyền thông phòng chống ngộ độc nấm tại thôn, làng
Tổ chức ký cam kết mô hình bếp ăn tập thể
Về công tác kiểm tra an toàn thực phẩm: trong năm Sở Y tế thành lập 03 Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP và đơn vị thành lập 07 đoàn kiểm tra chuyên ngành (04 Đoàn kiểm tra chuyên ngành, 02 đoàn kiểm tra đột xuất, 01 đoàn hậu kiểm). Tổng số cơ sở được kiểm tra là 327, số cơ sở đạt tiêu chuẩn về ATTP là 279 chiếm tỷ lệ 85,32%; 36 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 68.250.000 đồng, tiêu hủy 11.45 kg thực phẩm rắn và 0,6 lít thực phẩm lỏng tại 05 cơ sở. Kết quả kiểm nghiệm chất lượng mẫu thực phẩm qua các đợt kiểm tra có 8/8 mẫu đạt chỉ tiêu hóa, 2/2 đạt chỉ tiêu vi sinh.  Kết quả kiểm nghiệm bằng test nhanh chất lượng 1.263 mẫu thực phẩm qua các đợt kiểm tra, kết quả 1.263 mẫu đều âm tính.
 
Kiểm tra an toàn thực phẩm
Đến năm 2019, Chi cục đã cấp lũy tích 263 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; tiếp nhận lũy tích 72 sản phẩm công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định ATTP; 168 sản phẩm tự công bố sản phẩm.
Cùng với đó công tác giám sát NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm luôn được chú trọng, năm 2019, Chi cục đã tổ chức 08 đợt giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm. Kết quả test nhanh 2.556/2.556 mẫu âm tính; gửi kiểm nghiệm 248 mẫu xét nghiệm về chỉ tiêu hóa, kết quả 247/248 mẫu đạt, 01 mẫu không đạt chỉ tiêu Aflatoxin; 01/02 mẫu xét nghiệm vi sinh không đạt chỉ tiêu Coliforms. Test nhanh 225 mẫu trong các đợt giám sát sự kiện, kết quả 225 đều âm tính.
Với sự nổ lực nêu trên, kết quả trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra, có 164 ca mắc ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ do ăn uống không bảo đảm vệ sinh.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh trong năm qua cũng còn không ít những tồn tại, khó khăn, vướng mắc đó là các cơ sở sản xuất, kinh doanh không ổn định, vì mục đích lợi nhuận ngắn hạn nên chưa đầu tư trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, chưa kiểm nghiệm công bố chất lượng sản phẩm, không chú trọng nguồn gốc xuất xứ dẫn đến có hành vi vi phạm pháp luật về ATTP. Người tiêu dùng chưa biết đến việc xem công bố chất lượng của sản phẩm trên thị trường để lựa chọn.
Để sớm khắc phục những tồn tại, khó khăn, vướng mắc nêu trên, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong năm 2020, Chi cục tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm (Kế hoạch số 782/KH-UBND ngày 19/4/2016 của UBND tỉnh); kiểm soát chặt chẽ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Trong đó tập trung vào các hoạt động đào tạo, tập huấn chuyên môn, truyền thông về an toàn thực phẩm; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm; lấy mẫu, kiểm nghiệm phục vụ thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm bảo đảm an toàn thực phẩm; điều tra, giám sát ngộ độc thực phẩm, giám sát nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm và phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm; giám sát dịch tễ học các bệnh truyền qua thực phẩm; cảnh báo, xử lý các sự cố về an toàn thực phẩm, kiểm soát an toàn thực phẩm các cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố; triển khai thực hiện Thông tư số 25/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.

Tác giả bài viết: Thu Giang

Nguồn tin: Chi cục ATVSTP tỉnh Kon Tum