Những kết quả đạt được trong năm 2017 và định hướng công tác năm 2018 của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kon Tum

Năm 2017, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh, các sở, ban ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý về ATTP, hoạt động kiểm tra được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh có hành vi vi phạm pháp luật về ATTP. Tuy nhiên, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm đang ngày càng trở nên phức tạp, đòi hỏi có sự chung tay của cộng đồng để phản ánh với cơ quan chức năng về những vấn đề vi phạm ATTP ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác bảo đảm ATTP, trong năm qua Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác tham mưu cho Sở Y tế, Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh những văn bản liên quan đến công tác quản lý ATTP trình UBND tỉnh ban hành để chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh, theo đó UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch bảo đảm ATTP thức ăn đường phố năm 2017, Kế hoạch tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW, Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra ATTP tuyến tỉnh kiểm tra việc chấp hành pháp về ATTP của cơ quan, đơn vị, địa phương; Công văn về việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP trên địa bàn tỉnh; Công văn về bảo đảm ATTP tại các trường có tổ chức bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh; Công văn về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2016-2020 và tiếp tục thực hiện Chỉ thị só 13/CT-TTg; Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết nguyên đán Định Dậu và Mùa Lễ hội xuân năm 2017, Tháng hành động vì ATTP năm 2017; Tết Trung thu năm 2017…

Phiên họp Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức ATTP luôn được chú trọng, tại thành phố Kon Tum và huyện Sa Thầy tổ chức Lễ phát động "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2017 với sự tham dự của các sở, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và một số chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện với trên 3.500 người tham dự; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Trung tâm An toàn vệ sinh thực phẩm các huyện, thành phố phối hợp với cán bộ chuyên trách, cộng tác viên an toàn thực phẩm xã, phường, thị trấn tổ chức 1.559 buổi nói chuyện chuyên đề với 46.917 lượt người tham dựtuyên truyền trực tiếp về ATTP tại 3.161 hộ gia đình; tuyên truyền kiến thức ATTP 1.170 lần trên sóng truyền hình, 6.879 lần trên sóng phát thanh, 38 lượt xe loa tuyên truyền lưu động, 14 hội nghị với 617 người tham dự; tổ chức ký cam kết bảo đảm ATTP cho 724 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tổ chức 06 lớp tập huấn cho 220 người là lãnh đạo và người chế biến tại bếp ăn tập thể; tổ chức 05 lớp phổ biến pháp luật ATTP cho 108 cán bộ chuyên trách và cộng tác viên an toàn thực phẩm; tổ chức 02 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý ATTP cho 86 cán bộ làm công tác quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ của Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Trung tâm An toàn vệ sinh thực phẩm các huyện, thành phố; có 128 tin, bài về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được đăng trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum, Cục an toàn thực phẩm, trên Trang thông tin điện tử của Sở Y tế và các đơn vị: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; cấp 426 đĩa hình và đĩa âm cho Trung tâm An toàn vệ sinh thực phẩm các huyện, thành phố với các thông điệp bảo đảm an toàn thực phẩm; nhiều tài liệu truyền thông về ATTP đã được cấp phát đến hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Kiểm tra ATTP dịp Tết Trung thu 2017
 
Truyền thông phòng chống ngộ độc nấm tại thôn, làng
Trong năm 2017, toàn tỉnh đã thành lập 188 đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về an toàn thực phẩm từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, phường, thị trấn, đã tiến hành kiểm tra 4.906 cơ sở, xử phạt 181 cơ sở với số tiền phạt là 242.400.000 đồng; tiêu hủy 715.879 kg/lít/ sản phẩm thực phẩm tại 157 cơ sở; các cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính đều được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, Loa phát thanh xã, phường, Trang thông tin điện tử Sở Y tế, Trang thông tin điện tử Chi cục ATVSTP tỉnh... để kịp thời cảnh báo cho người tiêu dùng biết phòng ngừa. Hoạt động giám sát bảo đảm ATTP cho các đoàn khách trong và ngoài nước đến làm việc tại tỉnh và tại cộng đồng được thực hiện thường xuyên.
Nhờ làm tốt công tác công tác truyền thông, thông tin, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm nên nhận thức của các đối tượng sản xuất, kinh doanh, người quản lý và người tiêu dùng được nâng lên rõ rệt, số cơ sở vi phạm về ATTP giảm so với những năm trước và tình hình ngộ độc thực phẩm đã được khống chế. Trong năm 2017, cả tỉnh chỉ xảy ra 02 vụ ngộ độc thực phẩm tren 30 người mắc với 134 người mắc, không có trường hợp tử vong, giảm 02 vụ so với năm 2016 nhưng tăng về số người mắc (năm 2016 có 4 vụ, 25 người mắc).
Công tác cải cách thủ tục hành chính được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm quan tâm triển khai có hiệu quả trong hoạt động cấp giấy chứng nhận về ATTP, tiếp tục duy trì và cải tiến việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2008; thực hiện tốt việc ứng dụng các phần mềm eOffice, vOffice, iOffice, MISA vào quản lý văn bản, nhân lực và tài sản công; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong việc cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP. Đến nay, đã cấp mới giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 78 cơ sở, cấp lại 37 cơ sở, cấp đổi 01 cơ sở, lũy tích 467 cơ sở; cấp mới 51 giấy tiếp nhận công bố hợp quy và giấy xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm, luỹ tích 138 sản phẩm và cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP cho 1.227 người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Với những kết quả đạt được như đã nêu trên, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh trong năm qua cũng còn không ít những tồn tại, khó khăn, vướng mắc đó là: Công tác kiểm tra phát hiện và xử lý các vi phạm hành chính về ATTP ở tuyến huyện, xã chưa nghiêm nên số cơ sở vi phạm về ATTP vẫn chưa có chuyển biến tích cực, nhất là cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố và dịch vụ nấu ăn lưu động. Vẫn còn xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc. Một số người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe của bản thân và gia đình nên vẫn còn mua, sử dụng những sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn. Vì mục đích lợi nhuận một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ...gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Cá biệt vẫn còn một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có hành vi chống đối không hợp tác với đoàn thanh tra, kiểm tra khi tiến hành kiểm tra tại cơ sở (đóng cửa, không tiếp, không ký biên bản kiểm tra, có những lời nói xúc phạm Đoàn kiểm tra...). Công tác thanh tra, kiểm tra vẫn còn chồng chéo gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở.
Nguyên nhân: Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là thức ăn đường phố, dịch vụ nấu ăn lưu động không ổn định nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Người tiêu dùng vẫn còn dễ dãi trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm, nhất là sử dụng thức ăn đường phố và thực phẩm bao gói sẵn. Việc chấp hành quy định của pháp luật về ATTP của một số trường có tổ chức bếp ăn tập thể chưa tốt nên để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Kiến thức về ATTP của một số người kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng còn hạn chế nên vẫn còn sử dụng thực phẩm không an toàn dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Để sớm khắc phục những tồn tại, khó khăn, vướng mắc nêu trên, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm ATTP góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, năm 2018 Chi cục ATVSTP đề ra các nhiệm vụ trọng tâm sau đây: Điều tra, giám sát ATTP, giám sát nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm và phân tích nguy cơ ATTP, cảnh báo, xử lý các sự cố về ATTP, kiểm soát ATTP tại các cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động, lễ hội, hiếu hỷ tại địa phương. Tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực quản lý ATTP cho cán bộ y tế làm công tác quản lý ATTP. Tăng cường đa dạng hóa các hoạt động thông tin truyền thông phù hợp, hiệu quả đến các đối tượng.

Tác giả bài viết: Thu Giang

Nguồn tin: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kon Tum