Bánh trung thu nhà làm và vấn đề an toàn thực phẩm

Bánh trung thu nhà làm (homemade) là bánh được làm thủ công nên đa dạng về kích thước, mẫu mã, màu sắc bắt mắt. Bánh thường do một người làm và bán hoặc tặng cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Người làm bánh có thể cân đo đong đếm lượng đường, chất béo nên có ưu thế về dinh dưỡng, đáp ứng được nhiều đối tượng khách hàng hơn, kể cả người ăn chay, người bệnh tiểu đường, béo phì... Việc kinh doanh bánh trung thu nhà làm chủ yếu được bán online trên các trang mạng xã hội, không có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sản phẩm bánh trung thu nhà làm không thực hiện tự công bố sản phẩm, rất khó kiểm soát. Bánh trung thu nhà làm có nguy cơ nhiễm khuẩn, từ khâu lựa chọn nguyên liệu (các loại hạt, trứng, sữa, ngũ cốc) đến chế biến nếu không đảm bảo vệ sinh, có thể gây ngộ độc thực phẩm…Một số yếu tố khác như khói bụi, dụng cụ và tay người làm bánh, điều kiện vệ sinh khu vực làm bánh cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vệ sinh.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 Nghị dịnh số 15/2018/NĐ-CP thì “tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tự công bố thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn”; Khoản 1, Điều 11 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thì  “cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động”. Ngoài ra, theo Điều 1 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, việc ghi nhãn thực phẩm phải gồm các nội dung: (1) Tên hàng hóa; (2) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; (3) Xuất xứ hàng hóa; (4) Định lượng; (5) Ngày sản xuất; (6) Hạn sử dụng; (7) Thành phần hoặc thành phần định lượng; (8) Thông tin, cảnh báo; (9) Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.
Việc sản xuất, kinh doanh bánh trung thu không đúng quy định có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 50 triệu đồng được chiểu theo quy định tại Khoản 2, Điều 18, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP (Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm); Điểm a, Khoản 4, Điều 20, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP (Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi sản xuất sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm mà không có bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật).
Người tiêu dùng cần lựa chọn bánh có tên, địa chỉ nơi sản xuất, hướng dẫn sử dụng, bảo quản kín... Khi mua cần đọc kỹ phần nguyên liệu trên bao bì để biết được lượng calo và chất bột, béo, đạm của bánh. Chỉ mua sản phẩm còn nguyên bao bì, không bị rách, dập nát, biến dạng hay có ẩm mốc, hư hỏng và còn hạn sử sụng./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thu Giang

Nguồn tin: Chi cục ATVSTP tỉnh Kon Tum