Cách lựa chọn và bảo quản thực phẩm an toàn trong dịp Têt Nguyên đán
Thứ sáu - 15/01/2016 04:00
Hàng năm cứ vào dịp Tết đến là nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên đột ngột, nhất là các loại thực phẩm được tiêu thụ nhiều trong dịp này như: thịt, các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ , quả... Như vậy để lựa chọn thực phẩm và bảo quản thực phẩm an toàn. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh hướng dẫn một số cách như sau:
1. Cách lựa chọn thực phẩm an toàn:
- Đối với thực phẩm bao gói sẵn (như nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, ...): Chọn mua tại các cửa hàng sạch sẽ, ngăn nắp chấp hành đầy đủ các quy định về ATTP. Không nên mua ở những cửa hàng chật chội, ẩm ướt, bụi bẩn, bày bán lẫn lộn tạp chất, hóa chất với thực phẩm, những nơi bảo quản thực phẩm không đúng quy định. Chỉ mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác phải đầy đủ các nội dung sau: tên sản phẩm, tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm, thành phần cấu tạo sản phẩm, định lượng của sản phẩm, xuất xứ của sản phẩm, số Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng và hướng dẫn bảo quản. Không mua các loại thực phẩm bao gói sẵn không có nhãn hàng hoá.
- Đối với rau, củ, quả: Chọn và sử dụng rau quả an toàn: tốt nhất chỉ nên mua rau quả có nguồn gốc sản xuất an toàn; chọn mua loại không dập nát, không héo úa và không có mùi lạ, không có dấu hiệu bất thường như quá “mập”, quá “phồng”, hoặc có dính các hạt bụi nhỏ. Khi sử dụng cần nhặt tách từng lá, từng cọng rau, ngâm ngập trong nước sạch 15-20 phút để hoà tan chất bảo vệ thực vật (nếu có), sau đó rửa trôi 2-3 lần dưới vòi nước chảy hoặc trong chậu nước đầy. Nếu là quả cần nên gọt bỏ vỏ, bỏ những quả dập nát.
- Đối với thực phẩm tươi sống:
+ Chọn mua thịt tươi: màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, thịt rắn chắc, độ đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính. Phân biệt thịt lợn bơm nước: nếu là thịt nạc có bơm nước có màu hồng nhạt hoặc lẫn trắng, nước từ trong thịt rịn ra, lấy tay cầm không dính tay, lấy mẫu giấy dán vào thịt, nước thấm hút ra ướt giấy. Thịt nạc không bơm nước, màu hồng tươi, sờ vào cảm thấy hơi dính, lấy giấy dán lên khó bị vết.
+ Chọn mua cá: đặt lên lòng bàn tay, thân cá co cứng, thịt rắn chắc không thõng xuống. Mang cá có màu đỏ tươi dán chặt xuống hoa khế, miệng cá ngậm cứng, mắt cá trong suốt.
2. Bảo quản thực phẩm an toàn:
- Đối với thực phẩm bao gói sẵn (như nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, ...): bảo quản nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời và theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Đối với rau, củ, quả: Nên ăn ngay trong ngày hoặc sau 1 ngày vì giữ lâu trong tủ lạnh sẽ làm giảm lượng vitamin. Không giữ trái cây và rau xanh cùng nhau vì trái cây chín phóng thích khí ethylene làm sớm hỏng rau củ xung quanh. Trước khi cho vào tủ lạnh:
+ Trái cây: nên cho vào trong túi nylon để tránh mất nước, túi phải đục những lổ thủng để thoát hơi nước hình thành bên trong túi.
+ Rau xanh: gói trong khăn giấy sau đó cho vào túi nylon để lá không bị héo và tránh mất nước.
+ Một số loại không cần dự trữ trong tủ lạnh như khoai tây, cà chua, bơ…Khi thấy khoai tây đã mọc mầm nghĩa là trong khoai tây đã chứa 1 lượng lớn độc tố thì không nên ăn.
- Đối với thực phẩm tươi sống: Bao gói kín và khi để trong ngăn mát, bạn cần giữ cho nhiệt độ của tủ lạnh ở mức 2 độ C và -25 độ C với ngăn đông lạnh. Thịt cũng như các thực phẩm tươi sống thường được bảo quản lạnh trong 1-4 ngày.
Lựa chọn thực phẩm an toàn và bảo quản thực phẩm đúng cách là yếu tố rất quan trọng để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp tết. Ngoài ra, trong dịp tết hầu như nhà nào cũng dự trữ những món ăn đặc trưng của ngày tết như dưa kiệu, bánh chưng, bánh tét, giò chả, hoặc có nhà sẽ làm món ăn như thịt đông, bò khô, mực khô…Vậy để bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các món ăn này, người tiêu dùng cần phải:
- Bánh chưng, bánh tét:
Người ta thường quan niệm là bánh chưng không nên bảo quản trong tủ lạnh vì dễ bị lại gạo (cứng). Tuy nhiên, nếu thời tiết nóng thì có thể bảo quản vào ngăn mát tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần còn lại thì dùng màng che thực phẩm bao kín. Lưu ý khi lấy bánh trong tủ lạnh ra cần luộc, hấp lại hoặc rán trước khi ăn. Đối với các loại bánh bị mốc trắng, lên men mùi chua (nhất là ở phần góc bánh do phần này khi gói hay bị rách) ở lớp vỏ bánh bên ngoài thì phải cắt bỏ phần bị lên men, mốc chỉ sử dụng phần không bị hư, còn giữ nguyên mùi thơm của bánh.
- Giò, chả:
Cách bảo quản giò lụa, giò bò, chả là giống nhau, để ở nhiệt độ thường dưới 25oC. Khi bảo quản đúng cách giò sẽ giữ được 4-6 ngày nếu để ngăn mát, thậm chí giữ được khoảng 10 ngày nếu để ở ngăn đá, nếu bạn đã lỡ mua quá nhiều. Giò tai, giò xào do đặc điểm về sự kết dính mà phải để ở nhiệt độ mát, lạnh vì vậy để bảo quản nên để vào ngăn mát tủ lạnh.
- Thịt đông:
Với món thịt đông, nên chia thành từng hộp nhỏ vừa đủ ăn từng bữa để bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, và nó vừa giữ được hương vị đặc trưng vừa giúp món ăn bảo quản lâu hơn.
- Dưa kiệu:
Nên bảo quản ở nơi thoáng mát, khi ăn dùng đũa sạch gắp dưa kiệu ra, rửa qua bằng nước sôi để nguội hoặc nước muối pha loãng trước khi ăn.
- Bò khô, mực khô: Bao gói kín và bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh.
Tác giả bài viết: Tố Loan
Nguồn tin: Chi cục ATVSTP
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn là vi phạm bản quyền