07:14 EDT Thứ ba, 19/03/2024

Trang nhất » Tin Tức » CẢNH BÁO

DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI, NHẬN BIẾT VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG

Thứ ba - 11/06/2019 23:00
Bệnh dịch tả lợn châu Phi (African Swine Fever) gây ra bởi virus African swine fever virus (ASFV). ASFV là một virus DNA sợi kép lớn, nhân lên trong tế bào chất của các tế bào bị nhiễm bệnh. ASFV là virus duy nhất được biết đến với bộ gen DNA sợi kép được truyền bởi động vật chân đốt. ASFV là loài đặc hữu ở lân cận Sahara châu Phi và tồn tại trong tự nhiên thông qua một chu kỳ lây nhiễm từ ve và lợn rừng, lợn lông rậm… Bệnh này được mô tả lần đầu tiên sau khi những người định cư châu Âu đưa lợn vào khu vực có ASFV và đây là một ví dụ về bệnh truyền nhiễm mới nổi.
Dịch tả lợn châu Phi khác với dịch tả lợn cổ điển (Classical Swine Fever). Dịch tả cổ điển do một loại virus có cấu trúc ARN thuộc Pestis virus, họ Flaviridae gây ra. Virus dịch tả cổ điển tồn tại lâu ở ngoài môi trường, có thể sống sót vài ngày trong phân lợn, vài tháng đến vài năm trong thịt đông lạnh.
Bệnh tả lợn Châu phi gây ra bởi các chủng virus có độc lực cao, ở thể cấp tính lợn có thể bị sốt cao, nhưng không có triệu chứng đáng chú ý nào khác trong vài ngày đầu. Sau đó, lợn dần mất cảm giác ngon miệng và chán ăn. Ở lợn da trắng, tứ chi chuyển sang màu xanh tím và xuất huyết trở nên rõ ràng trên tai và bụng. Lợn bị nhiễm bệnh nằm co ro, run rẩy, thở bất thường và đôi khi ho, đứng không vững. Trong vài ngày bị nhiễm trùng, lợn rơi vào trạng thái hôn mê và sau đó chết. Ở lợn nái mang thai, sẩy thai tự nhiên xảy ra. Ở thể mạn tính với nhiễm trùng nhẹ, lợn bị nhiễm bệnh sẽ giảm cân, gầy và phát triển các dấu hiệu viêm phổi, loét da và sưng khớp. Khi lợn mắc bệnh thì có tỷ lệ chết 100% vì chưa có thuốc điều trị và Vắc xin tiêm phòng.
 Các triệu chứng lâm sàng của nhiễm ASFV rất giống với dịch tả lợn cổ điển và hai bệnh thường phải được phân biệt bằng chẩn đoán trong phòng thí nghiệm. Chẩn đoán này thường được thực hiện bằng ELISA hoặc phân lập virus từ máu, hạch bạch huyết, lá lách hoặc huyết thanh của lợn bị nhiễm bệnh.
Tính đến thời điểm hiện nay bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 55/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó tỉnh Kon Tum dịch cũng đã xuất hiện tại huyện IADhRai đã làm chết nhiều lợn ở một số trang trại và hộ gia đình.
Trước tình hình dịch bệnh đang lan rộng, nhiều người dân tỏ ra lo lắng nếu ăn phải lợn bệnh thì sẽ gây nguy hại cho sức khỏe như thế nào? Để hiểu rõ cơ chế gây bệnh, cũng như việc đề phòng quá mức dẫn đến loại bỏ hoàn toàn thịt lợn trong bữa ăn gia đình và chỉ sử dụng cá, gà và các loại thịt khác làm ảnh hưởng nặng nề đến ngành chăn nuôi nói riêng và nền kinh tế quốc dân nói chung.
Trước những hoang mang, lo lắng của người tiêu dùng, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã khẳng định, dịch tả lợn Châu phi khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Do đó dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người. Trường hợp phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người.
Virus tả lợn Châu Phi có đặc điểm là sống được rất lâu ở môi trường bình thường và có thể tồn tại trong tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt và các sản phẩm từ thịt chưa nấu chín trong 3-6 tháng, sống được trong máu khô 70 ngày...Tuy nhiên virus này chịu nhiệt kém, chỉ tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C. Dịch tả lợn Châu phi không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với sức khỏe con người nhưng có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu lợn, lở mồm long móng...Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi con người ăn tiết canh, ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín kỹ. Vì vậy, dù lợn bị mắc bệnh tả Châu phi thì cũng không có khả năng lây bệnh sang người, song người tiêu dùng vẫn phải cẩn trọng khi mua thịt lợn để tránh lây nhiễm các bệnh khác. Do đó, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng (đun sôi ở nhiệt độ 100 độ C từ 1 đến 10phút), nhất là phải biết chế biến, sử dụng thịt lợn đã được đông lạnh.
 
Để chọn và chế biến thịt lợn an toàn người tiêu dùng cần phân biệt thịt nhiễm dịch tả lợn châu Phi với thịt lợn không mắc bệnh, như sau:
1. Cách nhận biết:
Lợn bị nhiễm dịch tả châu Phi có các nốt xuất huyết nằm dưới da, trên vành tai trông giống như vết muỗi đốt. Bốn chân, bụng, ngực của lợn có màu tím xanh. Khi mổ ra, lợn tả có dịch lẫn máu ở bụng và khoang ngực. Toàn bộ nội tạng, cơ thể đều xuất huyết, lá lách phình to, hạch bạch huyết lớn, phổi không bị xẹp, khí quản dính máu, chứa nhiều bọt, thận xuất huyết, niêm mạc dạ dày loét, ruột tắc và chứa máu.
Đối với thịt lợn khỏe mạnh có màu đỏ tươi tự nhiên, mỡ trắng sáng, da không có các đốm hay các vết khác thường, ngón tay ấn vào không bị lõm hay rỉ nước.
2. Cách chế biến thịt lợn tươi sống và đông lạnh an toàn:
- Có dụng cụ chứa đựng riêng biệt cho thực phẩm bẩn và sạch.
- Có dụng cụ chứa đựng riêng biệt cho các loại thực phẩm khác nhau.
- Tuyệt đối không di chuyển thực phẩm ngược quy trình chế biến.
- Đối với thịt lợn đông lạnh cần rã đông đúng cách, có 4 cách rã đông:
+ Rã đông ở trong tủ lạnh dưới nhiệt độ 5oC hoặc thấp hơn.
+ Ngâm ngập dưới vòi nước sạch ở nhiệt độ 21oC hoặc thấp hơn.
+ Để trong lò vi sóng nếu thực phẩm đó được chế biến ngay sau khi rã đông.
+ Nấu cho đến khi nhiệt độ bên trong của thực phẩm đạt tới nhiệt độ 100oC trong thời gian ít nhất 15 phút để diệt hết vi khuẩn.
3. Đề phòng các đối tượng giết mổ lợn đã nhiễm bệnh để sơ chế, tẩm ướp hóa chất bán cho người tiêu dùng, cách nhận biết:
Thịt ướp chất bảo quản trông đỏ tươi nhưng thớ thịt săn cứng mất độ đàn hồi. Cắt sâu vào bên trong, thịt khá nhũn, chảy dịch, màu hơi thâm, có mùi. Loại thịt này khi rửa sẽ chuyển màu nhợt và có mùi tanh rất khó chịu, mỡ có màu vàng. Lúc nấu, nước thịt ôi sẽ đục, mùi hôi, mỡ bề mặt tách thành những hình tròn nhỏ thay vì nổi váng lớn như thịt tươi.
Để tránh mua phải thịt lợn bệnh, người tiêu dùng nên mua thịt ở những địa chỉ uy tín như siêu thị, cửa hàng chuyên cung cấp thịt sạch. Không nên vì giá rẻ mà chọn mua thịt lợn tại địa điểm bán không rõ nguồn gốc xuất xứ, nơi nhiều khói bụi, ruồi nhặng, không có biện pháp che chắn.
Tuân thủ ăn chín, uống chín, không ăn tiết canh hay lợn chưa được chế biến kỹ. Khi chế biến thịt lợn, người tiêu dùng cần rửa thịt bằng nước muối loãng trước khi nấu, rửa tay sạch trước và sau nấu ăn. Nấu xong nên ăn ngay không quá 2 giờ, tránh để lâu tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Không nên để thức ăn chín cạnh thức ăn sống, cạnh dụng cụ sơ chế. Các dụng cụ như dao, thớt cần được rửa sạch trước khi chế biến.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi, mặc dù là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với lợn, nhưng không có khả năng gây bệnh trên người. Vì vậy người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang và tẩy chay thịt lợn cũng như các sản phẩm từ thịt lợn. Người dân có thể sử dụng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh./.

Tác giả bài viết: BS.CKI Hoàng Chí Trung - Chi cục trưởng

Nguồn tin: Chi cục ATVSTP tỉnh Kon Tum

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
chi cục an toàn thực phẩm kon tum


HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN



THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 274

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 271


Hôm nayHôm nay : 67018

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1578592

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 17110846

LIÊN HỆ


Mã chống spam Thay mới