01:40 ICT Thứ tư, 27/09/2023

Trang nhất » Tin Tức » KIẾN THỨC

Tìm hiểu về thực phẩm chức năng

Thứ hai - 10/08/2020 10:35
Hiện nay, chúng ta có thể thấy tại hầu hết các cơ sở kinh doanh thuốc xuất hiện phần nhiều là thực phẩm chức năng, chúng có nhiều công dụng khác nhau từ cải thiện sức khỏe, sức đề kháng, khả năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể hay là ngăn ngừa các loại bệnh. Tuy nhiên, không có nhiều người hiểu rõ về thực phẩm chức năng, kể cả những người bán thuốc. Bài viết này giúp các bạn tìm hiểu sơ bộ về loại thực phẩm có tính đặc thù này.
Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Tuỳ theo công dụng, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, thực phẩm chức năng còn có các tên gọi khác bao gồm:
- Thực phẩm bổ sung (Supplemented Food) là thực phẩm thông thường được bổ sung vi chất và các yếu tố có lợi cho sức khỏe như vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic, prebiotic và chất có hoạt tính sinh học khác.
- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Food Supplement, Dietary Supplement) là sản phẩm được chế biến dưới dạng viên nang, viên hoàn, viên nén, cao, cốm, bột, lỏng và các dạng chế biến khác có chứa một hoặc hỗn hợp của các chất sau đây:
+ Vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic và chất có hoạt tính sinh học khác.
+ Hoạt chất sinh học có nguồn gốc tự nhiên từ động vật, chất khoáng và nguồn gốc thực vật ở các dạng như chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa.
- Thực phẩm dinh dưỡng y học còn gọi là thực phẩm dinh dưỡng dùng cho mục đích y tế đặc biệt (Food for Special Medical Purposes, Medical Food) là loại thực phẩm có thể ăn bằng đường miệng hoặc bằng ống xông, được chỉ định để điều chỉnh chế độ ăn của người bệnh và chỉ được sử dụng dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
- Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt (Food for Special Dietary Uses) dùng cho người ăn kiêng, người già và các đối tượng đặc biệt khác theo quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX) là những thực phẩm được chế biến hoặc được phối trộn theo công thức đặc biệt nhằm đáp ứng các yêu cầu về chế độ ăn đặc thù theo thể trạng hoặc theo tình trạng bệnh lý và các rối loạn cụ thể của người sử dụng. Thành phần của thực phẩm này phải khác biệt rõ rệt với thành phần của những thực phẩm thông thường cùng bản chất, nếu có.
 
 
Một cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng trên địa bàn thành phố Kon Tum
Nội dung trên nhãn thực phẩm chức năng được sản xuất trong nước phải đầy đủ như sau: 1) Tên hàng hóa; 2) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; 3) Xuất xứ hàng hóa; 4) Định lượng hàng hóa; 5) Ngày sản xuất, hạn sử dụng; 6) Thành phần, thành phần định lượng hoặc giá trị dinh dưỡng; 7) Công bố khuyến cáo về nguy cơ (nếu có); 8) Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.
Ngoài ra, còn có một số yêu cầu về ghi nhãn tiếng Việt như sau:
- Đối với nhãn thực phẩm bổ sung phải đáp ứng thêm các quy định: 1) Phải ghi cụm từ thể hiện tên nhóm thực phẩm: “Thực phẩm bổ sung” hoặc tên nhóm trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trên phần chính của nhãn; 2) Phải chỉ rõ đối tượng cụ thể, phù hợp với mức đáp ứng của liều khuyên dùng đã công bố hoặc phù hợp với bằng chứng khoa học đã được chứng minh về liều dùng khuyến cáo với những thành phần chưa có quy định mức đáp ứng.
- Đối với nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải đáp ứng thêm các quy định: 1) Ghi cụm từ thể hiện tên nhóm thực phẩm: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe” trên phần chính của nhãn để phân biệt với thực phẩm thông thường và thuốc; 2) Khi lấy thành phần chính tạo nên công dụng của sản phẩm làm tên sản phẩm thì phải ghi rõ ở bên cạnh hoặc dưới tên sản phẩm trên phần nhãn chính và trong thành phần cấu tạo ở nhãn sản phẩm nội dung sau: a) Hàm lượng hoạt chất trong thành phần đó nếu định lượng được; hoặc b) Hàm lượng thành phần đó nếu không định lượng được hoạt chất trong thành phần; 3) Không ghi cơ chế tác dụng trên nhãn sản phẩm; 4) Phải ghi cụm từ “Chú ý: Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” ngay sau phần ghi nhãn về công dụng của sản phẩm hoặc cùng chỗ với các khuyến cáo khác nếu có. Cụm từ này phải có màu tương phản với màu nền của nhãn và chiều cao chữ không được thấp hơn 1,2 mm, đối với trường hợp một mặt của bao gói dùng để ghi nhãn nhỏ hơn 80 cm2 thì chiều cao chữ không được thấp hơn 0,9 mm.
- Đối với nhãn thực phẩm dinh dưỡng y học và thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt phải đáp ứng các điều kiện sau đây: 1) Thực phẩm dinh dưỡng y học phải ghi cụm từ thể hiện tên nhóm thực phẩm: “Thực phẩm dinh dưỡng y học” trên mặt chính của nhãn để phân biệt với thực phẩm thông thường và ghi dòng chữ: “Sử dụng cho người bệnh với sự giám sát của nhân viên y tế”; 2) Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt phải ghi cụm từ: “Sản phẩm dinh dưỡng (cho đối tượng cụ thể)” trên mặt chính của nhãn để phân biệt với thực phẩm thông thường; 3) Phải có hướng dẫn chi tiết quy trình vệ sinh dụng cụ và cách thức pha để bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm và đủ dinh dưỡng, phù hợp với tình trạng sức khỏe của đối tượng sử dụng; 4) Yêu cầu về hướng dẫn cách sử dụng: a) Phải rõ ràng, chi tiết trong hồ sơ công bố sản phẩm; b) Phải cảnh báo đối tượng không được phép sử dụng, nếu có.
Đối với thực phẩm chức năng nhập khẩu thì nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa; nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa.
Đối với thực phẩm chức năng sản xuất trong nước để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, khi đưa ra lưu thông trên thị trường thì trên nhãn phụ phải có dòng chữ in đậm “Được sản xuất tại Việt Nam”.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo. Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” bằng cách đọc rõ khuyến cáo hoặc thể hiện khuyến cáo trong quảng cáo.
Thực phẩm chức năng phải được bày bán riêng biệt với khu vực bày bán các loại thực phẩm khác. Người kinh doanh thực phẩm chức năng phải có kiến thức pháp luật và kiến thức chuyên môn về lĩnh vực an toàn thực phẩm nói chung và thực phẩm chức năng nói riêng.
Tại tỉnh Kon Tum, hầu hết thực phẩm chức năng được bày bán trong các cơ sở kinh doanh dược. Yêu cầu đặt ra đối với nhà quản lý là cần làm gì để kiểm soát tốt việc kinh doanh thực phẩm chức năng trong thời gian đến. Theo chúng tôi, trước hết phải nâng cao nhận thức cho chủ cơ sở và người trực tiếp bán thực phẩm chức năng thông qua tập huấn các quy định của pháp luật và tập huấn kiến thức về thực phẩm chức năng, lồng ghép tuyên truyền trong các đợt kiểm tra, giám sát đi đôi với xử lý nghiêm, kịp thời các cơ sở, cá nhân cố tình vi phạm./.

Tác giả bài viết: Thu Giang

Nguồn tin: Chi cục ATVSTP tỉnh Kon Tum

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
chi cục an toàn thực phẩm kon tum


HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN



THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 75

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 74


Hôm nayHôm nay : 1245

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 423618

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 11197068

LIÊN HỆ


Mã chống spam Thay mới