17:19 ICT Thứ hai, 25/09/2023

Trang nhất » Tin Tức » TRUYỀN THÔNG

Kon Tum: Giải pháp về công tác an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Thứ hai - 23/05/2016 15:38
Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW, ngày 21-10-2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Kon Tum, qua 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị đã đạt nhiều kết quả quan trọng và tiếp tục có nhiều giải pháp về công tác đề an toàn thực phẩm (ATTP) của tỉnh nhà.
Những kết quả đạt được:
Bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh, duy trì và phát triển nòi giống, tăng cường sức lao động, học tập, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, văn hóa xã hội và thể hiện nếp sống văn mimh. Qua 05 năm triển khai thực hiện có thể khẳng định Chỉ thị 08 đã đi vào cuộc sống. Các cấp uỷ đảng, chính quyền đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động về công tác an toàn thực phẩm, từ đó đã quan tâm hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về ATTP ngày càng được các cấp, các ngành chú trọng triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân; hiệu lực quản lý nhà nước; hiểu biết, thực hành về ATTP trong cộng đồng và ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được nâng cao; đã phòng, chống có hiệu quả ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm số vụ việc vi phạm về ATTP. Từ năm 2012 đến nay, đã tổ chức 30 Lễ phát động nhân "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" với tổng số người tham dự là 13.524 người; tổ chức 288 lớp tập huấn cho 13.376 người là đối tượng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; 124 lớp tập huấn cho các hộ trồng rau, chăn nuôi, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật với 4.580 người tham dự; 1.926 buổi nói chuyện chuyên đề cho 69.532 người; tuyên truyền các kiến thức và các văn bản pháp luật về lĩnh vực ATTP trên phương tiện thông tin đại chúng: 2.099 lần trên sóng phát thanh, 1.274 tin trên sóng truyền hình và 44 phóng sự,... Bộ máy tổ chức quản lý chất lượng ATTP từ tỉnh đến cơ sở được củng cố. Đã ban hành hướng dẫn, tư vấn cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng ATTP tiên tiến như GMP, GHP, VietGAP. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm ATTP theo quy định; thực hành tốt về ATTP trong sản xuất, chế biến. Một số địa phương đã xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn… Hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát chất lượng vệ sinh ATTP được tăng cường. Đã kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Kết quả từ năm 2012-2015, số mẫu lấy để xét nghiệm chỉ tiêu vi sinh vật là 212 mẫu, số đạt chiếm tỷ lệ 69,8% và số mẫu lấy để xét nghiệm chỉ tiêu hóa là 287 mẫu, số đạt chiếm tỷ lệ 70%...  Kiểm tra 18.405 lượt cơ sở, số lượt cơ sở đạt 14.202 chiếm tỷ lệ 77,16%. Xử phạt vi phạm hành chính 1.386 cơ sở với tổng số tiền phạt 1.635.450.000 đồng.
Lễ Phát động “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2016
Vẫn còn những khó khăn
Một số cấp ủy không xây dựng chương trình, kế hoạch và hướng dẫn triển khai thực hiện Chỉ thị. Tổ chức bộ máy cơ quan chuyên ngành quản lý chất lượng ATTP chưa đồng bộ. Lực lượng cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng ATTP còn thiếu, phân tán. Công tác phối hợp giữa các cơ quan về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm phẩm có lúc, có nơi còn chưa tốt. Chưa quản lý tốt về an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố, dịch vụ nấu ăn lưu động. Công tác kiểm tra phát hiện và xử lý các vi phạm về ATTP ở tuyến huyện, xã chưa nghiêm, chưa kiên quyết. Một số chỉ tiêu về ATTP chưa đạt so với mục tiêu kế hoạch đề ra.
Tồn dư hóa chất, ô nhiễm hóa chất bảo quản trong một số thực phẩm chưa được cải thiện. Tỷ lệ cơ sở chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát  còn ở mức thấp; trách nhiệm của người sản xuất quy mô nhỏ lẻ đối với sức khỏe cộng đồng chưa cao; phương thức quản lý thực phẩm chức năng còn bất cập. Cơ sở vật chất để trang bị cho tổ chức bếp ăn tập thể ở một số nơi chưa đầy đủ các điều kiện bảo đảm ATTP theo quy định. Việc hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn chưa thực sự được quan tâm. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về ATTP chưa thường xuyên. Chưa thực sự chú trọng việc giáo dục đạo đức kinh doanh.
Sự chênh lệch về nhận thức ATTP giữa khu vực thành thị và nông thôn còn lớn. Công tác xã hội hóa một số khâu dịch vụ công phục vụ quản lý nhà nước về chất lượng ATTP chưa được quan tâm đúng mức; sự tham gia của các lực lượng trong xã hội như các hội, hiệp hội và doanh nghiệp còn hạn chế.
Giải pháp thời gian tới
Trên cơ sở 05 năm sơ kết Chỉ thị 08 của Ban Bí thư, để tháo gỡ những khó khăn, làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, Tỉnh ủy Kon Tum chỉ đạo:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; chỉ đạo xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm ATTP. Tăng cường sự phối kết hợp giữa các cơ quan, ban ngành đoàn thể về vấn đề ATTP. Đưa các mục tiêu, nhiệm vụ về ATTP vào các nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội của địa phương. Ban hành văn bản chỉ đạo triển khai theo giai đoạn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án quy hoạch các khu vực kinh doanh thức ăn đường phố, khu giết mổ tập trung, vùng sản xuất rau an toàn...
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về chất lượng ATTP đối với người quản lý, người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm; đặc biệt chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức kinh doanh của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng. Phát huy vai trò của Ban chỉ đạo từ tỉnh đến xã; tổ chức tốt các hoạt động phối hợp liên ngành trong đó ngành Y tế làm đầu mối. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP ở các cấp. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng các chương trình quản lý chất lượng vào quy trình sản xuất để đảm bảo truy xuất được nguồn gốc sản phẩm trong trường hợp cần thiết. Quảng bá và xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông lâm thủy sản, đặc biệt các sản phẩm có ưu thế của tỉnh. Đẩy mạnh xã hội hóa một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý ATTP; phát huy vai trò của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, xã hội-nghề nghiệp, các tổ chức đoàn thể trong việc tham gia bảo đảm chất lượng ATTP. Tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đầu tư trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Ba là, ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh. Củng cố, kiện toàn các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP các tuyến; thiết lập hệ thống thông tin giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương để phối hợp trong thực hiện kiểm tra nhà nước về ATTP. Tiếp tục kiện toàn, củng cố các Chi cục: An toàn vệ sinh thực phẩm, Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản, Quản lý thị trường; tăng cường về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất để đủ khả năng đảm nhận chức năng quản lý ATTP tại địa phương. Tăng cường năng lực của lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP. Tập trung đầu tư về hạ tầng, trang thiết bị cho các phòng kiểm nghiệm hiện có. Tăng số lượng các chỉ tiêu kiểm nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2005, từng bước đáp ứng yêu cầu về kiểm nghiệm phục vụ công tác quản lý ATTP. Thực hiện phân cấp đi đôi với đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho địa phương trong quản lý ATTP, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP và thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản, thủy sản không đảm bảo an toàn. Kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật và các vật tư nông nghiệp, đảm bảo sử dụng đúng chất lượng, chủng loại, liều lượng, thời gian cách ly của các loại vật tư nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm. Thường xuyên thực hiện giám sát, kiểm tra tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản, thủy sản thực phẩm. Kiểm soát chặt chẽ các điểm giết mổ gia súc, gia cầm; kiên quyết xử lý các cơ sở giết mổ tự phát, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo đảm điều kiện ATTP trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc và gian lận thương mại. Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra các cơ sở dịch vụ ăn uống, chủ động giám sát các mối nguy cơ ATTP để thông tin cảnh báo cho cộng đồng. Tăng cường hoạt động phối hợp thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, tập trung chỉ đạo việc nâng cao chất lượng hoạt động bảo đảm ATTP theo hướng chủ động “quản lý dựa trên nguy cơ”; có biện pháp phòng ngừa, ngăn ngừa và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm./.
                                                                   

Tác giả bài viết: ĐINH THỊ NGỌC HUYỀN

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
chi cục an toàn thực phẩm kon tum


HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN



THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 83

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 82


Hôm nayHôm nay : 19357

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 393213

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 11166663

LIÊN HỆ


Mã chống spam Thay mới