Cảnh báo ngộ độc rượu do methanol và cách phòng tránh

Từ đầu năm 2017 đến nay đã xảy 1 vụ ngộ độc ngày 13/02/2017 do uống rượu trong đám ma tại xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, làm 69 người bị ngộ độc, trong đó có 9 người bị tử vong; 1 vụ ngộ độc hàng loạt 12 sinh viên trọ tại phố Yên Hòa, quận Cầu Giấy; ngoài ra có 08 bệnh nhân bị ngộ độc rải rác được điều trị tại Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai cũng do ngộ độc Methanol và có liên quan đến rượu. Đa số các trường hợp ngộ độc Methanol là do uống rượu không có nguồn gốc, không có nhãn mác, được bán tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Hà Nội đã phát hiện 5/43 mẫu rượu có hàm lượng methanol vượt chuẩn cho phép, tại Kon Tum cũng đã phát hiện 2/3 mẫu rượu có hàm lượng methanol vượt chuẩn cho phép.
  
                                         Mẫu rượu trắng test nhanh (+) với methanol
Methanol là một chất lỏng, trong suốt, không màu ở nhiệt độ thường. Là loại cồn công nghiệp có trong dung dịch sản xuất sơn, dung dịch tẩy rửa, chất chống đông lạnh và nhiều sản phẩm công nghiệp khác (Budavari 1996; Suit 1990).
Độc tính của Methanol: methanol được oxy-hoá chậm ra formaldehyde đến acid formic rồi chuyển hoá thành dioxide carbon và nước đào thải qua phổi và thận. Formaldehyde độc gấp 33 lần so với methanol, acid formic độc gấp 6 lần so với methanol. Acid formic tích tụ gây ức chế hệ thống thần kinh trung ương; ảnh hưởng tới thần kinh mắt và võng mạc (Jacobsen 1997); Acid formic và acid Lactic gây ra toan hóa máu.
Ngưỡng độc: Methanol có độc tính cao ở người, chỉ cần uống 5 - 15 ml có thể gây ngộ độc nặng, 15 ml trở lên là gây mù loà, 30 ml có thể gây tử vong. Liều tử vong được xem là khoảng 1 – 2 ml/kg hoặc 80mg/dl (Jacobsen 1986). Tử vong cũng từng được ghi nhận khi uống chỉ 15ml methanol 40% (tức là 6g methanol nguyên chất).
Một dấu hiệu giúp nhận biết ngộ độc methanol là nhìn thấy trắng mờ, như là đang trong cơn bão tuyết. Một số triệu chứng sớm khác là nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, đau thượng vị và mệt mỏi.
Ngộ độc methanol thường xảy ra do uống rượu mà những người nấu rượu đã cho methanol vào để giảm giá thành. Vì vậy để bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình, cho gia đình và xã hội, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Kon Tum sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và đề nghị:
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu: tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh loại rượu pha chế từ nguyên liệu, cồn không bảo đảm chất lượng, không nhãn mác, chưa công bố chất lượng.
Đối với người tiêu dùng:
1. Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
2. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
3. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
4. Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
5. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.
Đối với các cơ quan chức năng: Nâng cao vai trò của cơ quan quản lý thị trường và chính quyền địa phương các cấp (đặc biệt là cấp quận, huyện, xã, phường) trong việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, hướng dẫn người tiêu dùng chỉ sử dụng những sản phẩm rượu có nguồn gốc, xuất xứ theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu.

Tác giả bài viết: Thu Giang

Nguồn tin: Chi cục ATVSTP