Chi cục ATVSTP Kon Tum tuyên truyền phòng chống ngộ độc nấm tại thôn, làng

Để nâng cao nhận thức cho người dân tại các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số về tác hại của nấm độc, ngày 18/7/2017, Chi cục ATVSTP tỉnh Kon Tum phối hợp với Trung tâm TT-GD&SK tỉnh Kon Tum tuyên truyền phòng chống ngộ độc nấm tại làng Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy.
Tại buổi truyền thông, bà con được tuyên truyền cách nhận biết nấm độc bằng hình ảnh cụ thể trên tờ rơi, áp phích và bằng cả trực quan nấm hái tại địa phương và tránh những kinh nghiệm cổ truyền sai lầm hay mắc phải. Ngoài ra, bà con còn được hướng dẫn cách thu hái, chế biến và bảo quản nấm đúng cách, cách xử trí khi có ngộ nấm xảy ra.
Hình ảnh tuyên truyền hướng dẫn cách biết nấm độc
Qua quá trình truyền thông bà con đã nhận thức được tác hại của nấm độc và không hái nấm lạ để ăn.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo người dân:
- Biện pháp cơ bản phòng chống ngộ độc nấm là chỉ nên ăn những loại nấm mà mình biết rất rõ.
- Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ.
- Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm mầu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả (mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc) đặc biệt là những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc. Tốt nhất là không sử dụng các loại nấm mọc hoang mà không có kinh nghiệm.
- Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, chúng rất giống nhau khó nhận dạng nấm độc.
- Không ăn nấm quá già.
- Không ăn loại nấm khi cắt, vết cắt có rỉ ra chất trắng như sữa.
- Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu vì nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Tốt nhất nên dùng nấm trong 12h sau khi thu hái. Khi chế biến nấm tốt nhất là nên luộc sôi trước khi xào nấu để giảm bớt độc tính.
- Khi mua nấm ở chợ tốt nhất nên mua loại đã từng ăn, mua ở những cơ sở có uy tín, cần kiểm tra, giám sát có đồng nhất về chủng loại và mầu sắc, có lẫn nấm độc không, tuy nhiên cũng phải nấu chín mới ăn. Nhất thiết phải loại bỏ các loại nấm lạ, nấm có mầu sắc sặc sỡ, thân nấm bị mốc, thịt nấm có mầu khác lạ và có hiện tượng phát quang.
- Khi ăn nấm không nên uống rượu, có một số nấm không độc nhưng có chứa những thành phần gây ra phản ứng hóa học với với thành phần trong rượu gây ngộ độc.
- Hầu hết các nấm gây ngộ độc cho người đều không thể làm cho chúng không độc bằng nấu chín đóng hộp, làm lạnh hay bất kỳ phương tiện xử lý nào. Do vậy, chỉ có một cách duy nhất để phòng tránh ngộ độc từ nấm là không ăn chúng.

Tác giả bài viết: Thu Giang

Nguồn tin: Chi cục ATVSTP