Kon Tum: Tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2018

Thực hiện Kế hoạch số 225/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 13/3/2018 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm và Kế hoạch số 63/KH-BCĐ ngày 26/3/2018 của Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh Kon Tum triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2018, sáng ngày 20/4/2018, tại Nhà Văn hóa huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum, Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh Kon Tum phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Đắk Tô tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”.
Tham dự Lễ phát động có lãnh đạo BCĐ liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh; các thành viên BCĐ liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh; Lãnh đạo Lãnh đạo Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện và đại diện lãnh đạo các phòng, ban, các tổ chức đoàn thể, công chức, viên chức, người lao động, học sinh; các Phóng viên báo, đài đóng trên địa bàn và đại diện trên 300 người là chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện.
Trước khi diễn ra Lễ phát động, BCĐ đã tổ chức biểu diễn văn nghệ chào mừng, chiếu phim, phóng sự về an toàn thực phẩm nhằm tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân hiểu và thực hành đúng về ATTP.
TsBs. Lê Trí Khải, Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động
Phát biểu khai mạc Lễ phát động và phát động triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018, Đồng chí  Xa Phương Phó chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành vì an toàn thực phẩm huyện Đắk Tô đã nêu bật chủ đề, mục đích, ý nghĩa của tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 là: “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”; Tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP từ đó đề cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP tại các cơ sở SXKDTP, đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề. Tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về ATTP của các cá nhân, cơ sở SXKDTP, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn trên địa bàn.
Đại diện Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh Tiến sĩ, Bác sỹ Lê Trí Khải, Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu chỉ đạo các thành viên Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tuyến tỉnh, huyện và người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng trên địa bàn trong thời gian triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 như sau:
- Đối với tuyến tỉnh: Đề nghị Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Công thương và các đơn vị liên quan tăng cường công tác truyền thông, thông tin; thanh tra, kiểm tra đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chú trọng kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, trong đó tập trung vào việc tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và những vi phạm về ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về ATTP, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo đảm ATTP, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP và thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho người tiêu dùng.
- Đối với tuyến huyện: Đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động truyền thông rộng rãi cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nêu cao trách nhiệm đối với sản phẩm thực phẩm do mình cung cấp. Tuyên truyền cho người tiêu dùng biết cách chọn mua, sử dụng thực phẩm an toàn; huy động hệ thống loa truyền thanh của tuyến huyện, xã, phường để tuyên truyền kiến thức và quy định của pháp luật về ATTP nói chung và tuyên truyền về trách nhiệm đối với  người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng nói riêng. Thành lập và chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra có sự tham gia của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện tham gia, tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Trong quá trình kiểm tra phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm ATTP, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật về ATTP thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm từng bước lập lại trật tự, kỷ cương trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Đối với người sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Đề nghị chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nêu cao vai trò trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nên lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ để cung cấp phục vụ người tiêu dùng. Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm kịp thời khai báo và phối hợp với các cơ quan chức năng để xác định nguyên nhân gây ngộ độc và phối hợp với cơ sở y tế để kịp thời cấp cứu không để xảy ra tử vong, giúp người bệnh sớm hồi phục trở lại lao động, học tập bình thường.
- Về phía người tiêu dùng: Hãy là người “tiêu dùng thông thái”, biết bảo quản, lựa chọn thực phẩm an toàn để chế biến, sử dụng; phải hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong ATTP. Đặc biệt là quyền khiếu nại, trách nhiệm khai báo, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật ATTP của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và lên án mạnh mẽ, kêu gọi mọi người tẩy chay đối với tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm độc hại, không an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng bản thân, gia đình và cộng đồng. Kịp thời khai báo với cơ quan chức năng khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm để được cứu chữa kịp thời.
Tiếp theo đó, đại diện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phát biểu hưởng ứng tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018.
Ngay sau Lễ phát động, đông đảo cán bộ, công chức, viên chức các Phòng, ban, các tổ chức đoàn thể và  các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện đã tham gia diễu hành cổ động hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 trên các tuyến đường chính của trung tâm huyện Đắk Tô.

Tác giả bài viết: BS.CKI Hoàng Chí Trung - Chi cục trưởng

Nguồn tin: Chi cục ATVSTP tỉnh Kon Tum