CẢNH BÁO NGUY CƠ NGỘ ĐỘC NẤM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Trong thời gian dài nắng hạn và Kon Tum bắt đầu có những cơn mưa đầu mùa là điều kiện thuận lợi để các loại nấm hoang dại mọc nhiều và khắp núi rừng, nương rẫy. Đối với bà con dân tộc vùng sâu, vùng xa nấm là món ăn khoái vị được nhiều người ưa thích, nhất là trong thời gian canh tác phải ở lại trong các láng, trại, vì vậy nếu không có kiến thức và không biết phân biệt được loại nấm nào ăn được và loại nấm nào là nấm độc không ăn được thì dễ xảy ra ngộ độc, gây nguy hại đến sức khỏe và tính mạng cho bà con.
Loại nấm thường gây ngộ độc trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Tuy nhiên để phân biệt được nấm độc và không độc cũng rất khó khăn, bởi Việt Nam là một nước nhiệt đới khí hậu nóng ẩm nên thuận tiện cho các loài nấm phát triển, đặc biệt vào mùa Hè. Ở nước ta có khoảng từ 50 - 100 loài nấm độc khác nhau, trong đó có những loài có độc tố gây chết người như nấm độc tán trắng, nấm ô tán trắng phiến xanh, nấm độc trắng hình nón... Độc tố nằm trong toàn bộ cây nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm). Độc tố có thể thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu rất phức tạp và khó phân biệt nên dễ dẫn đến ngộ độc nấm.
Năm 2015, chỉ trong khoản thời gian nữa tháng từ 20/5 đến 15/6/2015 trên địa bàn tỉnh đã liên tiếp xảy ra 7 vụ ngộ độc nấm độc, làm 33 người mắc, trong đó có 03 người tử vong và vừa qua, lúc 17 giờ, ngày 22/5/2016 tại thôn Nú Vai, xã Kroong, huyện Đắk Glei đã xảy ra 01 vụ ngộ độc nấm làm 05 người mắc và phải chuyển cấp cứu tại khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum.
 
(BN ngộ độc nấm là Kring Xa Của và A Quang làng Nú Vai, đang cấp cứu tại BVĐK tỉnh Kon Tum)
 Để phòng tránh ngộ độc và tử vong do ăn phải nấm độc, người dân cần biết:
 1. Những biểu hiện khi ăn phải nấm độc:
    Khi ăn phải nấm độc, tuỳ theo loại nấm mà có các biểu hiện ngộ độc khác nhau, có trường hợp xuất hiện rất nhanh ngay sau khi ăn 20-30 phút, nhưng cũng có trường hợp xuất hiện sau 2-4 giờ, thậm chí xuất hiện muộn sau khi ăn 20 giờ. Triệu chứng ngộ độc nấm xuất hiện càng muộn thì tiên lượng bệnh càng nặng, khó điều trị. Thường ngộ độc nấm độc có các triệu chứng chung sau đây:
 - Đau bụng dữ dội từng cơn, đi ngoài ra nhiều nước tanh, thối, dính máu;      
- Buồn nôn, nôn ra thức ăn, có thể lẫn máu;
- Toàn thân mệt mỏi, chân tay lạnh, khát nước, đôi khi nổi mẩn;
- Hoa mắt, chóng mặt, da xanh tái;
- Co giật, tăng tiết đờm rãi;
- Đi tiểu ít hoặc không đi tiểu được;
 - Khó thở do co thắt phế quản, ứ máu ở phổi.
 2. Khi biết ăn phải nấm độc cần xử trí như sau:
 - Ngay sau khi ăn nấm mà có các biểu hiện trên cần ngay lập tức gây nôn bằng các cách: Móc họng, ngoáy họng bằng lông gà, uống nước mùn thớt… sau đó đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời.
 Lưu ý:  Không cho bệnh nhân uống các loại thuốc với rượu vì chất độc của nấm ngấm rất nhanh vào máu, làm tăng thêm độc tính của chất độc.
3. Để đề phòng ngộ độc nấm cần:
- Không ăn nấm rừng và nấm mọc tự nhiên khi không biết đó là nấm độc hay nấm không độc.
- Phải kiểm tra nấm thật kỹ trước khi nấu và biết chắc chắn nấm ăn được mới được ăn, tuyệt đối không ăn nấm lạ.
- Khi không phải tự tay hái nấm hoặc chưa có người phân loại thành thạo nấm độc thì tuyệt đối không được ăn.
- Không ăn thử hoặc cho động vật ăn thử, vì có loại nấm xuất hiện ngộ độc rất muộn 20-24h và khi thử cũng không biết được nấm độc hay không độc nên rất nguy hiểm.
 - Không hái nấm non để ăn (vì chưa thấy hết đặc điểm cấu tạo của nấm nên không xác định rõ loại nấm) và cũng không ăn nấm quá già.
 Để giúp bà con phần nào phân biệt nấm độc và không độc, bà con có thể áp dụng hai phương pháp thử nghiệm đơn giản sau:
 + Thử nghiệm biến màu: Dùng phần trắng của hành lá chà xát trên mũ nấm, nếu thân hành biến thành màu xanh nâu chứng tỏ có độc, nếu ngược lại, hành không chuyển màu chứng tỏ không có độc. Ngoài ra, sau khi nấu chín, có thể dùng đũa, thìa bạc để thử trước khi ăn.
  + Thử nghiệm bằng sữa bò: Cho một lượng nhỏ sữa bò tươi bên trên mũ nấm, nếu thấy hiện tượng sữa vón cục, có khả năng nấm này có độc.
- Ở các xã vùng sâu, vùng xa khi ăn nấm nên hỏi rõ những người thực sự có kinh nghiệm để nhận biết nấm độc, tránh ăn nhầm nấm độc.
 - Khi bị ngộ độc nấm cần phải đưa tất cả những người bị ngộ độc và cả người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến các cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và cấp cứu kịp thời. 

Tác giả bài viết: BS.CKI Hoàng Chí Trung

Nguồn tin: Chi cục ATVSTP tỉnh Kon Tum