Cảnh giác ngộ độc do Clostridium botulinum

Độc tố từ vi khuẩn gây bệnh
Clostridium Botulinum là loại vi khuẩn chứa độc tố gây ra bệnh cấp tính rất mạnh, làm phá hủy thần kinh trung ương và gây tử vong. Clostridium Botulinum là trực khuẩn kỵ khí tuyệt đối, có nha bào. Nhiệt độ thích hợp cho vi khuẩn phát triển là 12,5 đến 48 độ C (đối với loại phân hủy protein) và từ 3,5 đến 48 độ C (đối với loại không phân hủy protein).
Nguồn lây
Vi khuẩn Clostridium Botulinum có trong đất, đặt biệt là đất vườn, đất nghĩa trang, tại các nơi chăn nuôi gà, gia súc. Vi khuẩn này còn có thể có trong ruột các loại động vật nuôi trong nhà, trong ruột cá, trong nước bị ô nhiễm.
Do vi khuẩn có trong tự nhiên nên thực phẩm có thể bị nhiễm khuẩn trong quá trình bảo quản, sản xuất và chế biến ở nhiệt độ phù hợp cho vi khuẩn phát triển và trong môi trường yếm khí hoặc thiếu không khí như thực phẩm đóng hộp, đóng gói kín. Thực phẩm tươi sống như cá có thể bị nhiễm Clostridium Botulinum có trong ruột cá hoặc các vùng da bị trầy do quá trình chuyên chở, đánh bắt, tẩm ướp phân phối.
Đun sôi có thể diệt vi khuẩn
Ở những điều kiện thuận lợi, vi khuẩn Clostridium Botulinum phát triển đủ lớn và tiết ra ngoại độc tố. Độc tố có tính độc rất cao. Độc tố chịu được men tiêu hóa và acid của dạ dày. Tuy nhiên, các loại độc tố của Clostridium Botulinum rất nhạy cảm với nhiệt độ. Độc tố do vi khuẩn sinh ra có thể bị tiêu ở nhiệt độ 80 độ C trong vòng 30 phút.
Triệu chứng
Buồn nôn và nôn ói thường xảy ra khi nhiễm độc tố do Clostridium Botulinum. Tình trạng này không phải do tác động tại ruột mà là do độc tố tác động hệ thống lên thần kinh trung ương. Triệu chứng thấy sớm là rối loạn thị giác do giảm sự điều phối của cơ mắt gây hiện tượng nhìn song hình, mệt mỏi, chóng mặt kèm theo tiêu chảy, đau bụng. Trong một số trường hợp, có thể các cơ hô hấp bị liệt và phải tiến hành hô hấp nhân tạo trợ giúp. Bệnh thường xảy ra từ 6-24 giờ, có thể vài giờ hoặc vài ngày tùy theo lượng độc tố vào cơ thể.
 Các biện pháp phòng bệnh

Đề phòng thực phẩm bị nhiễm bẩn trong khâu giết mổ, vận chuyển, sơ chế, chế biến. Phải rửa sạch thực phẩm trước khi chế biến, bảo quản thịt bằng cách ướp lạnh, ướp muối để hạn chế phát triển của vi khuẩn tạo ra độc tố.
Đối với thực phẩm đóng hộp, không sử dụng nếu phát hiện hộp có dấu hiệu biến dạng như phồng lên. Trong sản xuất đồ hộp phải chấp hành chế độ vệ sinh khử trùng nghiêm ngặt.
Đun kỹ thực phẩm trước khi ăn.

Tác giả bài viết: Bs. Đinh Thị Ngọc Diệp

Nguồn tin: Khoa Dinh dưỡng Tiết chế - Bệnh viện Bình Dân (TP. Hồ Chí Minh)